Đang tải
Nghĩa Bình
PRCO One and Only Landscape

Nghĩa Bình liên kết sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP

Nghĩa Bình liên kết sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP
0

Với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, giúp người dân mạnh dạn ứng dụng khoa học – kỹ thuật, góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) đã triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Nghĩa Bình đã quy hoạch các vùng sản xuất tập trung như: vùng trồng lúa chất lượng cao, vùng trồng lúa đảm bảo an ninh lương thực, vùng trồng lúa đặc sản, vùng chuyển đổi sang nuôi thủy sản… Đặc biệt, vùng trồng lúa đặc sản nơi đây vốn là vùng đất trũng, mặc dù khó canh tác song lại được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng với chất đất hơi chua phèn, phì nhiêu từ lâu đã tạo nên thương hiệu “Gạo Nếp Bắc Nghĩa Bình”.

Những năm gần đây, ở vùng này, nông dân trồng giống lúa Trường Xuân QH trong vụ xuân để sản xuất gạo lứt huyết rồng và giống lúa đặc sản địa phương Nếp Bắc trong vụ mùa thường cho giá trị kinh tế khá cao. Để tạo ra sản phẩm nông sản an toàn, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa, UBND xã chỉ đạo HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ Nông nghiệp Nghĩa Bình xây dựng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô 15ha tại vùng trồng lúa đặc sản thuộc đội 13 với hơn 140 hộ nông dân tham gia.

Nông dân tham gia mô hình được hướng dẫn cách quản lý đồng ruộng, thực hiện phương thức “3 cùng” (cùng giống, cùng trà, cùng phương thức canh tác) và áp dụng các quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP. Toàn bộ quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ từ khâu gieo cấy lúa tập trung, chăm sóc, tăng cường sử dụng phân bón có nguồn gốc hữu cơ và bón cân đối) nên cây lúa sinh trưởng tốt, luôn cứng, ruộng thông thoáng; mật độ sâu, tỷ lệ hại của các đối tượng sâu bệnh thấp hơn. Nhờ đó, giảm thiểu số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí sản xuất và người trồng thu được lợi nhuận cao hơn so với canh tác truyền thống.

HTX thành lập 4 tổ phun thuốc bảo vệ thực vật, thành viên được trang bị bảo hộ lao động bảo vệ sức khỏe khi phun thuốc, sử dụng chủ yếu các loại chế phẩm sinh học nằm trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phòng trừ sâu bệnh và thực hiện đảm bảo thời gian cách ly; có nơi pha thuốc và thu gom bao bì, vỏ chai thuốc tập trung đúng theo quy định nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe của người sản xuất. Áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã đem lại hiệu quả tích cực cho nông dân Nghĩa Bình khi năng suất lúa Trường Xuân QH trong vụ xuân đạt 290kg lúa tươi/sào và Nếp Bắc đạt 150kg thóc khô/sào, cao hơn 10-15% so với sản xuất đại trà.

Cuối năm 2019, vùng trồng lúa 15ha của xã Nghĩa Bình đã được Công ty TNHH NHONHO (Cần Thơ) cấp giấy chứng nhận VietGAP. Cũng trong năm 2019, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ Nông nghiệp Nghĩa Bình đăng ký 2 nhãn hiệu “Gạo Nếp Bắc Nghĩa Bình”, “Gạo huyết rồng hữu cơ” với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). HTX đầu tư máy hút chân không, máy ép đóng gói, làm nhãn mác và thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm khoảng 10ha với các hộ nông dân trong vùng sản xuất VietGAP.

Thực hiện hợp đồng liên kết, HTX cung ứng phân bón, vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học công nghệ, đồng hành cùng nông dân trong quá trình sản xuất, xử lý sâu bệnh hại… đến tiêu thụ sản phẩm cho nông dân với giá cao hơn giá thị trường 15-20%. Cụ thể, HTX thu mua lúa tươi Trường Xuân QH ngay tại ruộng với giá 10 nghìn đồng/kg và thóc khô Nếp Bắc với giá 10-12 nghìn đồng/kg.

Theo hạch toán của các hộ nông dân, mỗi ha tham gia liên kết sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao hơn 25-30 triệu đồng so với sản xuất cùng giống ngoài đại trà. Ông Phan Văn Toản, đội 13 chia sẻ: “Vụ mùa vừa rồi, gia đình tôi cấy 1,1 mẫu Nếp Bắc nằm trong vùng quy hoạch sản xuất lúa VietGAP. Mặc dù vụ sản xuất năm nay gặp nhiều khó khăn về thời tiết và sâu bệnh nhưng được áp dụng quy trình VietGAP nên toàn bộ diện tích lúa của gia đình phát triển tốt, sản lượng đạt hơn 1,7 tấn thóc. Tham gia mô hình liên kết, tôi xuất bán cho HTX 1,6 tấn thóc, lợi nhuận cao hơn gần 10 triệu đồng so với sản xuất đại trà cùng giống”.

Hiện tại HTX sản xuất dịch vụ Nông nghiệp Nghĩa Bình chế biến các sản phẩm gạo Nếp Bắc, gạo huyết rồng, gạo lứt huyết rồng đóng gói thành các túi 1kg, 2kg mang nhãn hiệu “Gạo Nếp Bắc Nghĩa Bình”, “Gạo huyết rồng hữu cơ”, “Gạo lứt huyết rồng hữu cơ” bán ra ngoài thị trường. Do áp dụng các khâu kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt nên sản phẩm tiêu thụ với giá cao hơn khoảng 20-30% so với sản phẩm sản xuất đại trà. Nhằm xúc tiến thương mại cho các sản phẩm gạo, trong năm 2020, HTX đã tham gia Hội chợ giới thiệu sản phẩm an toàn của nông dân huyện Nghĩa Hưng; Phiên chợ nông sản an toàn, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh và một số vùng miền trong khu vực phía Bắc.

Đồng chí Phạm Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết: Hiện nay, HTX đang xây dựng kho chứa hàng và hoàn thiện cửa hàng nông sản an toàn tại địa phương nhằm đẩy mạnh cung ứng các sản phẩm gạo hữu cơ, đặc sản ra ngoài thị trường. Mục tiêu của HTX trong những năm tiếp theo là mở rộng toàn bộ 100ha vùng trồng lúa đặc sản thành mô hình liên kết sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP thông qua hợp đồng theo chuỗi giá trị. Từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… và một phần thông qua các đầu mối bán lẻ. Đặc biệt sản phẩm “Gạo huyết rồng hữu cơ” định hướng tiến tới xuất khẩu.

Đánh giá về mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng chí Trần Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng khẳng định, đây là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển nền nông nghiệp sạch. Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tạo uy tín, thương hiệu nông sản, từ đó nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân. Phương thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP còn phục hồi được hệ sinh thái trên đồng ruộng và bảo đảm được sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng sản phẩm. Thông qua mô hình giúp người dân thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cũ và nắm bắt được quy trình sản xuất lúa theo hướng VietGAP, ứng dụng khoa học – kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ. Việc liên kết có hợp đồng cũng giúp người dân yên tâm sản xuất.

Có thể nói, mô hình liên kết sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Nghĩa Bình là mô hình hiệu quả, cần được các địa phương nghiên cứu, học tập nhân rộng tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương và thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.

Ngọc Ánh

 

Bình luận

Your email address will not be published.

0

^

X