Đang tải
Nghĩa Bình
PRCO One and Only Landscape

Các mô hình Hợp tác xã tiêu biểu ở Nghĩa Hưng

Các mô hình Hợp tác xã tiêu biểu ở Nghĩa Hưng
0

Thực hiện Luật HTX năm 2012, những năm qua, huyện Nghĩa Hưng đã xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới, đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện, trực tiếp tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình có hơn 2.000 thành viên. Những năm qua, HTX đã đổi mới, phát triển mạnh hệ thống dịch vụ phục vụ thành viên theo chuỗi giá trị sản phẩm. Trong đó, HTX cung cấp dịch vụ đầu vào, giám sát quy trình chăm sóc và bảo vệ đến thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của thành viên. Bên cạnh đó, HTX xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phối hợp với các công ty tập trung xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch, sản phẩm hữu cơ đến tất cả các đội sản xuất; tích cực tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại. Xác định sản phẩm chủ lực, thế mạnh là cây lúa, cây màu, thủy sản nước ngọt, nước lợ, trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương, HTX đã thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, khoanh vùng và liên doanh, liên kết từ khâu làm đất, xuống giống, phòng trừ sâu bệnh tập trung, thu hoạch cùng thời điểm. Đây cũng là định hướng cho sản xuất hàng hóa trong nền kinh tế thị trường theo chuỗi giá trị “Doanh nghiệp – HTX – Thành viên HTX”. Đến nay, HTX đã xây dựng được thị trường ổn định, có sức cạnh tranh cao; mạnh dạn ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho thành viên với các sản phẩm chủ lực như gạo mang thương hiệu “Gạo nếp Bắc Nghĩa Bình”, “Gạo huyết rồng hữu cơ”. Trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp bền vững, HTX phấn đấu diện tích trồng lúa hàng hóa, lúa an toàn, lúa sạch được mở rộng và tăng từng năm, trong đó, diện tích trồng lúa hàng hóa chiếm 45-50% tổng diện tích. Đối với lúa hàng hóa, các thành viên HTX đều hưởng ứng, đồng thuận thực hiện theo quy trình VietGap, từ khâu chọn giống phù hợp thổ nhưỡng đến nguồn nước, thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, cây lúa không những đạt năng suất cao mà còn đảm bảo đúng yêu cầu chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, được tổ chức thu mua, tiêu thụ 100% sản phẩm. Đến nay sản phẩm trong vùng sản xuất hàng hóa không đủ cung cấp theo yêu cầu của thị trường. HTX phấn đấu giá trị thu nhập đến năm 2025 đạt 120 triệu đồng/ha/năm.

HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Minh, xã Nam Điền được thành lập năm 2017 với Hội đồng quản trị là đội ngũ cán bộ kỹ thuật trẻ được đào tạo chính quy. Phương châm hoạt động của HTX là lấy dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp là nền tảng cho tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; tư vấn kỹ thuật khoa học là đòn bẩy để tăng năng suất, chất lượng, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa; tổ chức sản xuất các loại rau an toàn theo chuỗi giá trị, từng bước mở rộng quy mô đi đôi với quản lý chất lượng. Vì vậy, HTX tăng cường vai trò giám sát chéo giữa các hộ thành viên để đảm bảo chất lượng sản phẩm; thường xuyên tập huấn, hướng dẫn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên trong mỗi tổ sản xuất.

HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hồng có quy mô toàn xã với 2.603 hộ thành viên, tổng diện tích đất canh tác 542,7ha, chủ yếu sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ màu/năm. Thế mạnh của HTX là đội ngũ cán bộ điều hành có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình với công việc, luôn được trẻ hóa, được quan tâm đào tạo nên trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày càng nâng cao, nắm bắt tốt diễn biến của thị trường để tham mưu cho Hội đồng quản trị HTX xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng vụ, hàng năm đạt hiệu quả. Các thành viên trong HTX cần cù chịu khó, có truyền thống, tay nghề thâm canh cao, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy xã về chuyển dịch cơ cấu, thay đổi phương thức sản xuất, HTX đã mạnh dạn xây dựng cánh đồng mẫu lớn từ gieo cấy truyền thống chuyển sang gieo sạ, mỗi vụ với diện tích từ 120ha. Từ vụ xuân năm 2019, Hội đồng quản trị HTX đã thực hiện chuyển đổi mô hình cánh đồng mẫu lớn sang sản xuất lúa sạch mang tính hàng hóa. Hội đồng quản trị HTX ký hợp đồng với Công ty TNHH Toản Xuân để tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên ngay sau khi thu hoạch với giá thành cao hơn…

Nhờ hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, quản lý dân chủ, các mô hình HTX tiêu biểu ở Nghĩa Hưng đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân cải thiện điều kiện sản xuất, đứng ra liên kết các hoạt động đầu ra, đầu vào cho họ dưới hình thức tốt nhất như: Bán vật tư nông nghiệp, nguyên liệu sản xuất cho nông dân với giá phải chăng, thuận lợi, đảm bảo chất lượng; giúp nông dân tiêu thụ hàng hoá dễ dàng, tạo thế cạnh tranh tốt cho nông dân cả khi mua và khi bán hàng hoá; hướng dẫn, chuyển giao năng lực quản lý, tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến cho nông dân tự áp dụng vào sản xuất. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, các HTX chú trọng đảm bảo hài hòa lợi ích với mục tiêu giúp nông dân làm giàu; từng bước xây dựng được thương hiệu thế mạnh của HTX, để người  nông dân tự nguyện tham gia. Cùng với nỗ lực tự đổi mới để phát triển, các HTX thời gian qua còn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế chính sách; xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn nhất là đường giao thông, công trình thủy lợi, hệ thống điện, nước phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, các HTX đã tham gia thực hiện tốt chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, mang lại hiệu quả kinh tế, lợi ích cho HTX và các thành viên.

Thời gian tới, các HTX tiếp tục đầu tư máy móc thiết bị, mở rộng hoạt động để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên; liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp thực hiện các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững, góp phần phát triển kinh tế tập thể, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu./.

Nguồn: Báo Nam Định

Bình luận

Your email address will not be published.

0

^

X