Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng, Nam Định) là một trong những đơn vị nhạy bén trong liên kết sản xuất, tiêu thụ với doanh nghiệp, phát triển thành công mô hình sản xuất an toàn theo hướng hàng hóa, đem lại lợi ích toàn diện về kinh tế và an toàn lao động cho thành viên, hộ nông dân liên kết. Năm 2018, HTX Nghĩa Bình đã liên kết bao tiêu nông sản 2 vụ lúa với Công ty TNHH Toản Xuân để tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Theo đó, công ty hỗ trợ một phần chi phí đầu tư, cung cấp các dịch vụ đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây giống và chốt giá thu mua từ đầu mùa vụ. Đồng chí Phạm Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX cho biết: “Việc hợp đồng chốt giá đầu vụ có lợi cho cả đôi bên: Doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, khối lượng,  người nông dân được đảm bảo về sản xuất, thị trường tiêu thụ”. Đặc biệt, các hộ nông dân thành viên được tổ chức sản xuất khoa học, áp dụng kỹ thuật sản xuất an toàn, từ đó giảm thiểu chi phí đầu tư, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Đồng chí Trần Văn Phiệt, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nam Định cho biết: “Hai năm gần đây, việc liên kết bao tiêu giữa nông dân với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phát huy hiệu quả thiết thực. HTX Nghĩa Bình đang trở thành đại diện bảo vệ quyền lợi các thành viên, phát huy quyền tự chủ của người dân trong sản xuất”. Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác củng cố hoạt động, thu hút thành viên để tăng vốn góp, mở rộng diện tích canh tác, xây dựng chuỗi giá trị, phát triển sản xuất an toàn, hướng đến nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững. Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ các đơn vị thành viên trong khâu liên kết bao tiêu sản phẩm, tổ chức các đợt xúc tiến thương mại, kêu gọi các doanh nghiệp ký kết hợp đồng lâu dài và ổn định.

Bên cạnh đó, Liên minh sẽ tham mưu với UBND tỉnh tổ chức diễn đàn đối thoại doanh nghiệp – HTX nhằm kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với HTX, các hộ nông dân, tăng cường tính pháp lý cho hợp đồng bao tiêu, đồng thời phát triển liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân thông qua mô hình HTX để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản nhằm khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”.

 

      

Có thể khẳng định, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp – HTX – hộ nông dân vẫn được xem là ưu việt nhất trong việc tổ chức sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong giai đoạn hiện nay. Việc các HTX kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản cũng góp phần quan trọng thực hiện Đề án phát triển 15 nghìn HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020 của Chính phủ. Từ đó, vai trò của các tổ chức như HTX, tổ hợp tác được phát huy là người đại diện, người bảo hộ cho nông dân tham gia chuỗi liên kết có việc làm ổn định, thu nhập tăng cho các thành viên. Đây cũng là định hướng lâu dài cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách hiệu quả./.