Đổi mới trong phương thức sản xuất, canh tác an toàn sinh học, đầu tư đóng gói bao bì, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) đã đưa sản phẩm “gạo nếp Bắc Nghĩa Bình” ngày càng vươn xa và đang dần khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Đồng đất xã Nghĩa Bình vốn là vùng đất trũng, khó canh tác song lại được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng với chất đất hơi chua phèn, phù sa màu mỡ tạo nên hạt gạo nếp Bắc “nấu xôi cũng dẻo, nấu rượu cũng ngon”. Thế nên gạo nếp Bắc Nghĩa Bình được “tuyển” dành để làm bánh chưng, ngâm rượu cần, chế biến các món bánh nếp, bánh dầy, bánh rán, bánh trôi, bánh gai, bánh cốm… được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh yêu thích. Đồng chí Phạm Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình cho biết: Nếp Bắc là giống lúa truyền thống của địa phương. Hạt gạo tròn màu trắng đục, có mùi thơm đặc trưng, có thời gian sinh trưởng từ 155-160 ngày. Hiện tại, toàn xã có khoảng 100ha trồng lúa nếp Bắc trong vụ mùa muộn ở các vùng đồng trũng ven đê Thanh Hương, trong đó tập trung chủ yếu ở các thôn An Lạc, Quần Phương II và Phú Bình.
Để nâng cao giá trị và thương hiệu cho hạt gạo nếp Bắc, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình đã xây dựng vùng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm gạo nếp Bắc đạt tiêu chuẩn VietGAP quy mô 15ha với gần 60 hộ dân tham gia. Các hộ trong vùng liên kết được tập huấn kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGAP từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến để tạo ra sản phẩm lúa gạo thương phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Để đảm bảo độ chuẩn các loại vật tư phục vụ sản xuất, các hộ được ứng trước vật tư nông nghiệp; hướng dẫn cách quản lý đồng ruộng và áp dụng các phương pháp thâm canh tiến bộ như: “3 cùng” (cùng giống, cùng trà, cùng phương thức canh tác), “3 giảm – 3 tăng” (giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón hóa học, giảm thuốc trừ sâu – tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng hiệu quả kinh tế) và phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (I.P.M)… HTX kiểm soát chặt chẽ trong suốt quá trình sản xuất, trong đó đặc biệt tập trung ở các giai đoạn cấy lúa để mật độ hợp lý, hạn chế sâu, bệnh hại, giảm thiểu số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm thiểu chi phí đầu vào, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người sản xuất và tạo ra sản phẩm “sạch”.
Nhằm tạo thương hiệu cho sản phẩm gạo nếp Bắc Nghĩa Bình, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình đã đầu tư làm nhà xưởng, máy hút chân không, máy đóng gói, thiết kế bao bì, tem nhãn để đóng túi, ép hút chân không sản phẩm theo nhiều quy cách đóng gói (túi 1kg, 2kg) đáp ứng đa dạng nhu cầu khách hàng. Bên cạnh đó, HTX đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Gạo nếp Bắc Nghĩa Bình” với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Hiện nay, sản phẩm “gạo nếp Bắc Nghĩa Bình” được bán trực tiếp tại địa phương, qua các hệ thống đại lý trên toàn quốc và bán online (trực tuyến) trên website http://htxnghiabinh.vn (được Tổ chức Hỗ trợ Phát triển Hà Lan hỗ trợ xây dựng) và trên các nền tảng mạng xã hội zalo, facebook của HTX.
Đổi mới quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng đầu tư cách thức đóng gói, mẫu mã bao bì hợp lý nên gạo nếp Bắc của HTX ngày càng được thị trường đón nhận, là một trong những sản phẩm có giá trị cao. Năm 2021, sản phẩm “gạo nếp Bắc Nghĩa Bình” được công nhận đạt sản phẩm OCOP hạng 4 sao cấp tỉnh. Bình quân mỗi năm HTX cung ứng ra thị trường 15-20 tấn gạo nếp Bắc Nghĩa Bình. Với giá bán 35 nghìn đồng/kg, hiện gạo nếp Bắc Nghĩa Bình đạt trị kinh tế cao hơn 10-15% so với các giống lúa đại trà. Ngoài ra, HTX còn phát triển một số sản phẩm rượu nếp Bắc, cốm nếp… nhằm đa dạng hóa sản phẩm chế biến, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và nguồn tiêu thụ cho gạo nếp Bắc Nghĩa Bình. Việc xây dựng thành công thương hiệu gạo nếp Bắc Nghĩa Bình đã giúp HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình trở thành đơn vị điển hình tiên tiến hoạt động có hiệu quả, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2020.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển và duy trì sản phẩm “gạo nếp Bắc Nghĩa Bình” hiện vẫn gặp một số khó khăn như một số giống nếp Bắc hiện đã bị thoái hoá do không được chọn lọc thường xuyên và khai thác qua nhiều năm. Cũng như các đơn vị khác trong tỉnh và các địa phương khác, việc phát triển thương hiệu lúa gạo gắn với tổ chức tập thể của HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình còn mang tính tự phát, hạn chế. Sản phẩm gạo nếp Bắc của Nghĩa Bình đã gắn với các địa danh nhỏ (tên xã hoặc HTX) tuy nhiên chưa có hệ thống quản lý, phát triển kênh thương mại nên hiệu ứng thương mại chưa cao. Vừa qua, HTX đã được UBND tỉnh phê duyệt “Dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Bắc Nghĩa Bình” cho sản phẩm gạo nếp Bắc của HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định” với mục tiêu nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Bắc Nghĩa Bình” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; xây dựng, hoàn thiện và tổ chức vận hành công cụ quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Bắc Nghĩa Bình”, từ đó thúc đẩy nâng cao chất lượng, liên kết sản xuất, thương mại gắn với chuỗi giá trị và truy xuất nguồn gốc. Phát triển thị trường sản phẩm gạo nếp mang thương hiệu “Nếp Bắc Nghĩa Bình” trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu sản phẩm, phấn đấu mỗi năm cung ứng 50 tấn gạo nếp Bắc. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian tới, HTX tập trung xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể “Nếp Bắc Nghĩa Bình” cho sản phẩm nếp Bắc; xây dựng hệ thống và mô hình quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; xây dựng các phương tiện quảng bá, phát triển thương mại cho sản phẩm nếp Bắc mang nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể “Nếp Bắc Nghĩa Bình” theo chuỗi giá trị…
Thực hiện dự án sẽ tạo đà để HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình chuyển bước sang sản xuất gạo nếp Bắc theo quy trình hữu cơ, nâng sản phẩm “gạo nếp Bắc Nghĩa Bình” lên hạng 5 sao phục vụ xuất khẩu. Đây là động lực giúp cho người nông dân không “quay lưng” với ruộng khi giá trị lao động và thu nhập tăng lên, đồng thời tạo dấu mốc về sự phát triển của nghề trồng lúa trong giai đoạn mới./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh